➡ Xem lại bài viết Tôi đã tự học tiếng Nhật như thế nào (N5, N4)
Chọn sách gì
Mình cũng đã rất băn khoăn sau khi học xong hai cuốn Minna no Nihongo, vì lên mạng tìm hiểu thì nhiều loại sách ôn thi lắm, trong khi mình đã “học lượt đi” đâu mà ôn thi? Nhưng rồi, sau một hồi lăn tăn và để tránh việc học lan man, mình đã chọn như sau:
Từ vựng
Vì sao mình lại chọn cuốn Mimikara oboeru? Bởi vì có thể tải video trên youtube về luyện nghe thay vì học bằng sách vở. Mình hạn chế sử dụng sách vở càng nhiều càng tốt, vì tập trung quá lâu vào sách vở mình dễ bị nản, sinh ra chán học, nên công đoạn nào mà bỏ qua sách vở được thì thích lắm.
Sau khi tải video từ vựng về, mình xem và nghe lượt đầu rất kỹ, thậm chí có những chỗ câu ví dụ đầu tiên chưa rõ nghĩa thì mình sẽ tạm dừng để xem những ví dụ khác của từ đó, xem từ đó được sử dụng linh hoạt như thế nào. Sau khi nghe kỹ ở lượt đầu tiên (có thể nghe kỹ thêm lần nữa nếu khó) đoán được ý nghĩa của từ dựa vào câu ví dụ mà không cần xem video nữa, mình sẽ để video phát tự động bất kỳ lúc nào có thể, ví dụ như khi nấu cơm hoặc vệ sinh cá nhân v.v… Đây có thể nói là áp dụng phương pháp “tắm ngôn ngữ”, nghe nhiều quen tai, rồi ngấm vào đầu dần dần từ lúc nào không hay.
Về sau mình phát hiện thêm cuốn Try nữa cũng rất hay, có phần giải thích cách dùng bằng tiếng Việt, câu ví dụ được đưa ra cho mỗi cấu trúc khoảng năm câu, đủ để hiểu cách sử dụng của cấu trúc. Hơn nữa, cuốn này phát triển các cấu trúc trong một bài thành một bài viết dài hoặc bài hội thoại hoàn chỉnh, rất hợp cho những người tự học.
Đọc hiểu
Sách luyện đọc hiểu cho N3 mình chọn Soumatome vì lên youtube thấy ngay trang Chữ Hán đơn giản quay video giảng bài khá hay. Thay vì ngồi cặm cụi tự nghiên cứu tốn thời gian, thì học qua kênh youtube khá nhanh và hiệu quả. Sau khi đỗ N3, mình có thể tự xem hướng dẫn cách làm bài đọc hiểu ở cuốn Shinkanzen N2, và mình thấy những mẹo đó rất hay, thực tế nó đã giúp mình đỗ N2 ngay trong đợt thi tiếp theo.
Khi đọc hiểu, không suy đoán theo ý nghĩ cá nhân, vì thường câu hỏi sẽ hỏi về suy nghĩ của tác giả nên tuyệt đối không được suy đoán dựa vào kiến thức của bản thân. Nhiều bạn hay chọn sai bởi vì thường “đọc ý tác giả nhưng làm theo cách của mình”. Vậy nên, hãy nhớ kỹ, với những câu hỏi dạng “Điều tác giả muốn nói nhất là gì?” thì chỉ nên chọn đáp án dựa vào những thông tin có sẵn trong bài, những gì không được nhắc đến tuyệt đối không chọn, cho dù khi áp dụng vào đời sống thực tế có vẻ như câu đó đúng, Nhưng ở đây người ta hỏi về ý kiến tác giả chứ không phải ý của độc giả.
Nghe hiểu
Vì mình khá thích xem phim, cộng với việc, học dồn dập như vậy khiến mình thấy “ngán” sách vở, chưa kể những ngày phải tăng ca về muộn không còn tâm trí đâu để học nữa. Vậy nên phần nghe hiểu mình hoàn toàn không sử dụng sách vở, mình lên mạng tìm phim có sub song ngữ để xem. Rất tiếc là ngoài phim “Tiếng Nhật mà người Nhật cũng không biết” có sub song ngữ Nhật Việt ra, mình không tìm thêm được phim nào nữa ở thời điểm đó, nên mình lại mò vào trang Trung Quốc để tìm và tha hồ để mình xem luôn.
Thường thì lượt đầu mình xem sub Việt hoặc sub tàu để biết nghĩa của mỗi đoạn là gì. Sau đó phim nào không hay bỏ qua, phim nào hay mà vừa sức để học thì mình xem lại lần hai, thậm chí lần ba, lần bốn để luyện nghe nói luôn. Với mình xem phim là một cách rèn tổng hợp từ vựng, ngữ pháp và nghe hiểu. Tuy nhiên, để đạt được hiệu quả này, ở lần xem thứ hai trở đi chỉ được xem sub Nhật vì trước đó mình đã biết nghĩa của từng đoạn rồi, nên lúc này mới là thời điểm thích hợp để học.
Nếu như ở trình độ N5 N4 mình khuyên các bạn học chắc ngữ pháp cơ bản, thì ở trình độ N3 N2 mình chỉ học để hiểu thôi, còn hình thức học chủ yếu của mình ở giai đoạn này là “học bằng phim”. Bởi vì xem phim cũng giúp mình cải thiện ngữ cảm, biết được trong hoàn cảnh nào có thể dùng từ nào và cấu trúc nào. Xem nhiều phim bằng tiếng Nhật, kiến thức sẽ từ từ ngấm vào đầu, đến lúc làm bài thi cũng một phần dựa vào ngữ cảm đã được rèn qua phim để chọn đáp án.
Trình độ N3 mình xem các phim Anime vì đây là tiếng Nhật trẻ em, rất dễ nghe và không quá khó so với trình độ. Ví dụ: Shin cậu bé bút chì, Chibi Maruko…. Bước sang trình độ N2 mình nghe phim bộ nhiều vì tốc độ người nói giống với ngoài đời. Ví dụ: Có một người tôi yêu, Xin hãy yêu em kẻ vô dụng này… Đừng cố theo đuổi những bộ phim có nội dung khó hiểu hoặc sử dụng quá nhiều từ khó. Bởi vì, khó quá cũng dễ bị nản.
1) Học qua bộ thủ. Lúc này khá hiệu quả vì Kanji N3 và N2 thường lừa người ở những chữ trông na ná giống nhau. Khi đã biết ý nghĩa bộ thủ rồi, bạn sẽ dễ dàng chọn đáp án chính xác hơn.
2) Tận dụng lợi thế âm Hán Việt của người Việt để suy đoán ý nghĩa của từ. Điều này giúp ích không chỉ ở phần Kanji mà còn giúp ích trong bài đọc hiểu nữa. Ở bài Tôi đã tự học tiếng Nhật như thế nào (N5, N4) mình đã viết: trong tiếng Nhật có một kho từ vựng có nguồn gốc từ âm Hán, mà mọi người vẫn hay gọi là âm On. Mình xin lấy ví dụ thông qua trò chơi nối chữ bắt đầu bằng chữ “An” như sau:
安全 (an zen/an toàn) ➡ 全面 (zen men/toàn diện) ➡ 面積 (men seki/ diện tích)…
Như vậy, khi học chữ Kanji, hãy để ý âm Hán Việt của chữ đó là gì, rồi ghép với chữ có âm Hán Việt khác, đảm bảo từ vựng của bạn sẽ tăng lên nhanh chóng, rất hữu ích ngay cả trong giao tiếp. Mình đã áp dụng thành công khi vừa thi vấn đáp môn triết học ở lớp cao học xong, thì cô người Nhật tò mò: thầy đã hỏi gì trong môn thi triết học? =)) Đang loay hoay không biết trả lời như thế nào thì mình quyết định ghép bừa các âm Hán với nhau mà không may lại trúng. =)) Ví dụ:
世 (SE / THẾ) + 界 (KAI / GIỚI) + 観 (KAN / QUAN)唯 (YUI / DUY) + 物 (BUTSU / VẬT)唯 (YUI / DUY) + 心 (SHIN / TÂM)
Chi tiết tham khảo series Sự kỳ diệu của Kanji Nói
Kỹ năng này mới là khó nhất đối với người tự học. Mình đã lên các group trên facebook để tìm những người có cùng chí hướng để luyện nói nhưng rất tiếc các group đó chỉ hoạt động được một thời gian lại đường ai nấy đi. Nên mình lại trở về với việc luyện nói một mình bằng cách viết các bài thuyết trình nho nhỏ hoặc nói lại bắt chước theo phim (đây chính là phương pháp shadowing), thậm chí khi mình đã có N3, mình đã đi thi thử “Cuộc thi diễn thuyết tiếng Nhật dành cho những người không chuyên và chưa từng đến Nhật Bản”. Miễn là có bất kỳ cơ hội nào được luyện nói tiếng Nhật mình đều đi hết nếu có thể.
Ngoài ra, sau khi học xong N3 mình cũng đã đăng ký lớp bồi dưỡng giáo viên tiếng Nhật ngắn hạn, do cô giáo người Nhật mở ra với giá ưu đãi. Vì cô giảng bài 100% bằng tiếng Nhật nên mình được luyện nghe tiếng Nhật thực tế, đồng thời tích cực phát biểu để luyện nói luôn.
Lộ trình tự học N3 và N2 để thi chứng chỉ
Như mình đã nói ở ngay phần đầu của bài viết là mình cần có chứng chỉ N2 gấp, nên mình có 4 tháng để học và thi N3, 5 tháng để học và thi N2. Lộ trình mình tự đưa ra như sau:
N3: Cuốn từ vựng Mimikara oboeru có tổng 880 từ và được chia ra làm 12 video, nên mình dành 1 tháng để tập trung học và nghe từ vựng. Soumatome ngữ pháp và đọc hiểu được chia sẵn cho 6 tuần rồi, nhưng vì học gấp nên mình rút gọn thành ngữ pháp 1 tháng, đọc hiểu 1 tháng. Vì là lần đầu đi thi JLPT nên mình khá run, dành hẳn 2 tuần để luyện đề và đúc kết kinh nghiệm trước khi thi thật. Cho nên mình chỉ có 2 tuần tập trung xem phim.
N2: Cuốn từ vựng Mimikara oboeru có tổng 13 bài, trình độ khó hơn, nên mình dành hẳn 1 tháng rưỡi để tập trung học và nghe từ vựng. Ngữ pháp và đọc hiểu mình dành 5 tuần cho mỗi kỹ năng. Do đã có kinh nghiệm thi N3 nên mình chỉ dành 1 tuần cuối cùng luyện đề thi thử trên mạng và làm cuốn Gokaku dekiru, còn lại dành cho xem phim.
Trước khi thi
Hãy nhớ, trước khi đi thi cần có tâm lý thoải mái, vậy nên mình xác định rõ nếu đỗ thì học tiếp cao học, còn không thì thôi, cho nên cũng bớt được phần nào sự lo lắng. Bộ đề thi thử trên mạng và cuốn Gokaku dekiru là các bài thi tối thiểu cần làm trước khi thi thật để làm quen với dạng đề, không bị bỡ ngỡ. Đồng thời, chuẩn bị sẵn các vật dụng cho ngày thi từ hôm trước, và đi ngủ sớm để hôm sau có đầu óc tỉnh táo tập trung vào phần thi nghe.