Sau bài viết về cách luyện đọc tiếng Nhật hiệu quả (nguồn luyện dokkai) thì ở bài tiếp theo của blog Học tiếng Nhật CNTT này, mình muốn giới thiệu và chia sẻ với các bạn – nhất là những người đã đi làm trong công ty Nhật – về cách luyện tập và học tiếng Nhật giao tiếp (kể cả khi bạn không có người bạn Nhật Bản nào để luyện tập).
Quy tắc học tiếng Nhật giao tiếp hiệu quả
Chú trọng vào “nội dung”
Rèn kĩ năng nghe
Bạn hẳn đã nghe rất nhiều về phương pháp luyện nghe vô thức & nghe có chủ đích đúng không? Hãy kết hợp hai cách luyện nghe này thật đều đặn mỗi ngày để tăng khả năng nghe hiểu, có như vậy mới “thủng” câu chuyện trong các buổi họp hay biết đứa kia nói gì còn hùa theo khi đi cafe chém gió.
Nghe vô thức là bật đài (Tỳ thường nghe radio NHK hoặc SBS News) hoặc các file nghe trong sách bạn học… trong khi làm những việc khác trong sinh hoạt hàng ngày (ăn, tắm, nấu cơm, quét dọn nhà…). Nghe vô thức giúp bạn làm quen với cách phát âm và nhịp độ giọng nói của người Nhật bản xứ.
Nghe có chủ đích là bạn nghe và HIỂU được vấn đề đang được nói đến trong đoạn băng bạn bật lên. Nên dành thời gian học của bạn cho nghe có chủ đích. Bạn có thể luyện bằng cách xem script của đoạn hội thoại cuối sách nghe, hoặc xem script của chương trình radio song song với lúc bật băng.
Không ngại nói sai (nhưng phát âm phải chuẩn)
Để giao tiếp được thì bạn không chỉ phải rèn kỹ năng suy nghĩ bằng tiếng Nhật mà còn phải bắt miệng của mình thực hành NÓI tiếng Nhật nữa. Đừng ngại nói sau hoặc nói những câu khiến đối phương phải mất thời gian suy luận xem bạn nói cái khỉ gì. Ai ai cũng có một thời gian đầu khi mới học giao tiếp tiếng Nhật ở tình trạng như vậy. ĐỪNG BAO GIỜ NGẠI NÓI hay XẤU HỔ KHI NÓI tiếng Nhật. Hãy nhớ, chúng ta học và tiến bộ là nhờ những sai lầm.
Luyện tập bất kể hoàn cảnh
Nếu sống ở Nhật thì dễ rồi: phi ra đường là có cơ hội luyện tiếng Nhật. Ở Việt Nam thì sẽ cần bạn cố gắng tự tạo môi trường tiếng Nhật mà học một chút. Thậm chí, bạn có thể tự nói trước gương để miêu tả ngày hôm nay của bạn thế nào, hoặc mở điện thoại ra chọn 1 bức ảnh bất kỳ và giả vờ như bạn đang phải tả bức ảnh đó cho một người bạn qua điện thoại… Có rất nhiều cách để “vẽ” ra thời gian & môi trường học tiếng Nhật ngay trong sinh hoạt thường ngày của bạn.
Phương pháp tự học giao tiếp tiếng Nhật (cơ bản + nâng cao)
Khoanh vùng mục đích
Đầu tiên, hãy xác định rõ mục đích học giao tiếp của bạn là gì? Giao tiếp nói chuyện với sếp của mình trong công việc, hay là kiểu giao tiếp đi gặp gỡ khách hàng và làm sales? Hay đơn thuần là giao tiếp để “chém gió” với bạn bè người Nhật?
Bởi, với mỗi loại giao tiếp, nhất là những giao tiếp đặc thù trong ngành nghề, thì nhất định bạn cần có 1 mentor (người hướng dẫn) hoặc chí ít phải mua sách luyện giao tiếp, sách về kỹ năng đàm phán với khách hàng bằng tiếng Nhật… để học.
Học thuộc & bắt chước
Bạn có biết cách những đứa trẻ học nói không? Đó chính là sự bắt chước lời nói của ba mẹ. Đầu tiên là bập bẹ những tiếng không ai hiểu, sau đó là nói được từ đơn, từ ghép, rồi một câu đơn, rồi câu phức tạp…
Việc học giao tiếng, luyện nói tiếng Nhật cũng tương tự như vậy. Bạn sẽ cần phải nghe băng nói, bắt chước lại cách phát âm rồi đọc theo. Ngoài ra, như thế là chưa đủ, hoặc mất cực nhiều thời gian.
Với Tỳ, mình đang áp dụng kiểu: học thuộc luôn từ vựng hay cả 1 đoạn hội thoại trước. Sau đó bật băng, tập nói cho đúng giọng điệu. Nói được đúng và không vấp rồi thì luyện nói sao cho nhanh bằng người ta, nhấn nhá giữa câu sao cho đúng cách họ nhấn nhá. Cách này khá dễ làm bạn bị… cắn vào lưỡi hoặc nuốt từ nhưng không sao cả, đây chính là cách luyện nói tiếng Nhật y chang người nhật của mình. Và mình thấy đây là một cách học tiếng Nhật hiệu quả của bản thân mình.
Hoặc, bạn cũng có thể luyện nói tiếng Nhật bằng một cách đơn giản là đọc to những bài văn trong sách luyện trình độ tiếng Nhật. Đương nhiên là có đòi hỏi bạn phải phát âm chuẩn các từ vựng xuất hiện trong đoạn văn rồi. Hiện Tỳ không áp dụng cách này, nhưng ngày xưa học tiếng Anh, Tỳ đã đọc hết các đoạn văn mẫu trong sách như là một thú vui vậy. Nhờ đó mà đi thi ít khi nào bị trượt phần tìm từ có trọng âm khác lắm. Chưa kể đọc to lên cũng giúp não bộ ghi nhớ tốt hơn nữa.
Hãy tạo sự thích thú khi học
Đây là điều Tỳ muốn bôi đậm, gạch chân 8 vạn 9 nghìn lần. Nhiều bạn, nhiều anh chị, nhất là dân dev nghĩ học ngoại ngữ giỏi là do năng khiếu. Hmmmm, không đúng lắm đâu ạ. Não bộ sẽ ghi nhớ rất nhanh và lưu trữ thông tin trong “long-term memory” (trí nhớ dài hạn) nếu bạn học/làm một điều gì đó với sự thoải mái và có hứng thú. Mỗi người có một năng lực khác nhau khi học bởi họ dành sự hứng thú cho những loại kiến thức khác nhau. Mấy đứa giỏi ngôn ngữ là bởi chúng nó thích thú với việc học ngôn ngữ.
Ibaraki Doujiより