hả năng sử dụng tiếng Việt là yếu tố quyết định đến chất lượng học tập của học sinh dân tộc thiểu số, đặc biệt là học sinh tiểu học, do chương trình phổ thông áp dụng cho toàn quốc, không phân biệt vùng, miền. Hai năm qua, dù ngànhGiáo dục có nhiều cố gắng nhưng kết quả đạt được vẫn chưa như mong muốn. Nhiều nỗ lực
Trong ba bậc học phổ thông, việc dạy tiếng Việt cho học sinh ở bậc tiểu học rất quan trọng, vì đây là bậc học đầu tiên. Một học sinh dân tộc thiểu số vào lớp 1 phải có ngay khả năng nghe, nói, đọc, viết tiếng Việt thì mới có thể giao tiếp, hiểu lời thầy cô giảng bài, làm bài tập… Thực tế, trước khi đến trường, các em học sinh dân tộc thiểu số giao tiếp bằng tiếng mẹ đẻ và không biết viết; khi vào lớp 1 phải biết tiếng Việt, chí ít là nói được để giao tiếp và phải viết được tiếng Việt.
Học sinh dân tộc thiểu số đang cần nhiều sự hỗ trợ để nâng cao khả năng sử dụng tiếng Việt.
– Trong ảnh: Một lớp học tại xã Đăk Mang, huyện Hoài Ân. Ảnh: H.L
Bà Hồ Thị Phi Yến, Trưởng Phòng Tiểu học – Mầm non (Sở GD-ĐT), cho biết: “Từ năm học 2010-2011, Sở đã chỉ đạo các Phòng GD-ĐT trong tỉnh tổ chức nhiều hình thức tăng cường dạy tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số như: tổ chức dạy học tiếng Việt cho học sinh lớp 1 trước khi bước vào năm học mới, lồng ghép việc dạy tăng cường tiếng Việt vào các môn học, các hoạt động giáo dục và tổ chức các trò chơi học tập để tạo môi trường giao tiếp tiếng Việt cho học sinh, tăng thời lượng môn Tiếng Việt lớp 1 từ 350 tiết/năm thành 500 tiết/năm cho học sinh lớp 1 tại các trường tiểu học học 2 buổi/ngày theo hướng dẫn của Bộ GD-ĐT. Các trường chưa có điều kiện tổ chức dạy 2 buổi/ngày thì thực hiện phương án dạy phụ đạo cùng với học sinh yếu vào buổi thứ hai trong ngày và các ngày thứ bảy, chủ nhật (3 tiết/tuần)”.Bậc tiểu học còn phối hợp với bậc học mầm non trong huy động trẻ 4, 5 tuổi ra lớp. Tất cả trẻ 5 tuổi đều qua chương trình Giáo dục mầm non mới, các huyện nằm trong Dự án giáo dục tiểu học cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn (PEDC) sử dụng tài liệu Chuẩn bị tiếng Việt cho trẻ em trước tuổi đến trường, nên số trẻ vào học lớp 1 đều học qua chương trình mẫu giáo 5 tuổi và được làm quen với môi trường giao tiếp tiếng Việt…. Những nỗ lực ấy được đền đáp bằng một số kết quả đáng phấn khởi. Bà Phạm Thị Bộ, Phó Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Vân Canh, cho biết: “Năm 2009-2010, sau khi tham dự Dự án PEDC, Phòng đề xuất với huyện thực hiện ngay việc tăng cường tiếng Việt trong trường học. Kết quả ba năm học qua, tỉ lệ học sinh yếu, kém giảm hẳn, số em khá giỏi tăng dần đều. Đặc biệt, khả năng nghe, nói, đọc, viết tiếng Việt của các em, kể cả học sinh lớp 1 cũng được cải thiện nhiều”. Một minh chứng thuyết phục khác là tại Chương trình Giao lưu “Tiếng Việt của chúng em” dành cho học sinh tiểu học dân tộc thiểu số cấp tỉnh năm 2012, những thứ hạng cao của phần thi Viết chữ đẹp và Kỹ năng – Kiến thức tiếng Việt đều thuộc về học sinh huyện Vân Canh.
Những chương trình gặp gỡ, giao lưu tiếng Việt cần được nhân rộng dưới nhiều hình thức hấp dẫn. – Trong ảnh: Trao thưởng cho học sinh đoạt giải tại Chương trình Giao lưu “Tiếng Việt của chúng em” cấp tỉnh.
Chưa thể yên tâm Dù có bước tiến ở một số địa phương, nhưng thực tế vẫn còn rất nhiều học sinh tiểu học dân tộc thiểu số vất vả “đánh vật” với tiếng Việt. Chuyên viên phòng GD-ĐT một huyện miền núi nhiều năm theo dõi mảng giáo dục miền núi cho rằng, việc xóa rào cản ngôn ngữ còn nhiều trở ngại. Trước hết là nhận thức chưa đầy đủ về tầm quan trọng của việc dạy tiếng Việt cho học sinh tiểu học dân tộc thiểu số của một số chính quyền địa phương, thể hiện ở việc chần chừ áp dụng tăng thời gian dạy tiếng Việt từ 350 tiết lên 500 tiết, bởi việc này đụng đến “kinh phí”. Tiếp đến là nhận thức của đồng bào dân tộc thiểu số. Khá đông ông bố bà mẹ trẻ biết nói tiếng Việt, nhưng vẫn giữ thói quen giao tiếp bằng tiếng mẹ đẻ ở nhà, xem nhẹ việc hỗ trợ nhà trường, giúp con học tiếng Việt. Vậy là ở trường, các em giao tiếp bằng tiếng Việt, nhưng khi về nhà lại nói tiếng mẹ đẻ, nên rất khó tiến bộ. Phần lớn giáo viên giảng dạy tại các trường tiểu học có học sinh dân tộc thiểu số là người Kinh, không thông thạo tiếng đồng bào dân tộc thiểu số nên gặp khó khăn khi giao tiếp với học sinh. Một số người giảng dạy lâu năm hoặc đã tham gia học các lớp dạy tiếng dân tộc thiểu số do các huyện tổ chức nhưng cũng chỉ có thể nói vài câu thông thường. Có một điều gây băn khoăn là hàng năm, tỉnh đều cử hàng chục con em đồng bào dân tộc thiểu số đi học cử tuyển, nhưng số giáo viên là người dân tộc thiểu số lại rất ít, thậm chí có trường không có người nào. Thiết nghĩ, ở bậc mầm non và tiểu học, giáo viên giảng dạy là người dân tộc thiểu số, hiểu tiếng, hiểu bản sắc, sâu sát tâm tư, tình cảm của học sinh thì kết quả học tập nhất định sẽ có chuyển biến tích cực hơn. Bà Hồ Thị Phi Yến cho biết: “Thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục có những văn bản chỉ đạo để thúc đẩy phong trào học tập tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số, nhất là những vùng cao, vùng sâu bằng những hoạt động phong phú, đa dạng theo kiểu “học mà chơi, chơi mà học” để các em thích thú và thoải mái tham gia. Ngoài ra, sẽ vận động phụ huynh đóng vai trò tích cực trong việc tạo điều kiện và tiếp sức để con em mình đến gần với tiếng Việt hơn”. Rõ ràng, ở góc độ chuyên môn, ngànhGiáo dục đang cố gắng tạo chuyển biến song chừng ấy vẫn chưa thể yên tâm khi chính quyền địa phương và phụ huynh còn bàng quang.