“Hãy xin tha mạng bằng tiếng Tây Ban Nha,” Duo, một con cú xanh mũm mĩm ra lệnh. Meme (hiện tượng văn hóa lây lan) lan truyền trên Twitter có hình ảnh của linh vật đại diện cho Duolingo, ứng dụng học ngôn ngữ cực kỳ phổ biến, có hơn 300 triệu lượt tải xuống trên toàn thế giới. Mặc dù meme đó là trò đùa, nhưng ứng dụng thực lại gây ấn tượng rất mạnh.
Là sản phẩm được tạo ra từ bảy năm trước của Luis von Ahn, 40 tuổi, thiên tài máy tính của quỹ MacArthur, Duolingo thu hút mọi người từ Bill Gates, Khloe Kardashian và Jack Dorsey đến người tị nạn Syria ở Thổ Nhĩ Kỳ. Von Ahn chia sẻ: “Khoảnh khắc tôi cảm thấy tự hào nhất là khi tôi nhận ra, ái chà, người đàn ông giàu nhất thế giới đang sử dụng cùng một hệ thống giống như những người nghèo nhất về mặt kinh tế. Đó là điều thực sự đặc biệt và khá ấn tượng đối với tôi.”
Duolingo có rất nhiều không gian để phát triển lớn mạnh hơn. Hơn 2 tỉ người trên toàn thế giới đang học ngoại ngữ, và việc học ngoại ngữ trực tuyến đang ngày càng gia tăng. Học ngôn ngữ theo kiểu kỹ thuật số tạo ra doanh thu 6 tỉ USD và con số đó được dự đoán sẽ tăng lên đến 8,7 tỉ USD vào năm 2025. Nhưng đây là thị trường phân mảnh cao với hàng chục người chơi rải rác trên toàn cầu, và thị trường này đang rất cần một người chơi thống trị. Dĩ nhiên, Von Ahn biết cách thực thi trên quy mô lớn.
Khi còn là một sinh viên 21 tuổi vừa tốt nghiệp, anh đã giới thiệu cho cả thế giới biết về CAPTCHA – rất phổ biến đối với hàng tỉ người dùng Internet nhờ những ký tự nguệch ngoạc gây bực bội mà bạn phải gõ ra để chứng minh rằng bạn không phải là robot. Vài năm sau, anh đã bán hai phát minh của mình cho Google, thu về hơn 20 triệu USD.
Anh vung tiền mua một chiếc Lamborghini và Tesla Model S, nhưng ngoài việc đó ra, anh vẫn có một cuộc sống khiêm tốn, vẫn sống trong căn nhà sáu phòng ngủ mà anh và vợ cũ đã mua ở khu Point Breeze, Pittsburgh, gần văn phòng của Duolingo. “Tôi có thể đến Guatemala để sống trong một biệt thự, nhưng tôi không muốn,” anh nói.
Thay vào đó, anh chuyên tâm xây dựng ứng dụng giáo dục được tải xuống nhiều nhất thế giới. Hiện giờ Duolingo đã cung cấp nhiều ngôn ngữ hơn so với các đối thủ cạnh tranh, 36 ngôn ngữ, theo con số gần nhất. Trong đó gồm những ngôn ngữ ít người nói như tiếng Hawaii, Navajo, Gaelic và ngôn ngữ hư cấu High Valyria từ bộ phim bom tấn Game of Thrones của HBO (1,2 triệu người dùng đang học ngôn ngữ đó).
Giống phong cách của Wikipedia, Duolingo thu hút các tình nguyện viên nhằm hỗ trợ tạo ra các khóa học khó hiểu hơn. Bảy năm sau khi ra mắt, ứng dụng này có gần 30 triệu người dùng hoạt động hằng tháng, theo số liệu của Duolingo cung cấp.
Von Ahn cho biết con số đó sẽ tăng lên 86 triệu USD năm 2019 và 160 triệu USD năm 2020 khi nhiều người dùng đăng nhập và trả tiền cho ứng dụng cao cấp, dự kiến sẽ thu hút người dùng nhờ các tính năng mới. Số lượng nhân viên sẽ tăng từ 170 lên 200 vào cuối năm.
Trụ sở chính của Duolingo, trong một cửa hàng đồ nội thất được sửa lại ở East Liberty, khu phố không xa văn phòng ở Pittsburgh của Google, được thiết lập để mở rộng lên tầng hai. Mặc dù không có lãi, nhưng Von Ahn cho biết công ty sẽ có dòng tiền dương trong năm nay. Anh đang lên kế hoạch IPO vào năm 2021.
Anh thích tuyên bố rằng số tiền anh bị thiệt hại vì cho sử dụng miễn phí ứng dụng này tương đương với chi phí của ngân sách tiếp thị cồng kềnh của đối thủ. Anh cũng tự hào rằng người dùng ít có khả năng từ bỏ Duolingo hơn, việc họ thường làm với các ứng dụng ngôn ngữ đối thủ. “Sự say mê của người dùng đối với chúng tôi có thể so sánh với việc nghiện các trò chơi,” anh nói.
Đây là cách so sánh phù hợp. Duolingo thu hút người dùng bằng các thủ thuật chơi trò chơi như điểm, rương kho báu và các đợt ngày học để sử dụng liên tục. Các bài học dài ba phút của ứng dụng được thiết kế với giao diện đơn giản. Trong một bài tập điển hình, câu “Tôi ăn bánh mì” xuất hiện trên những từ tách rời. Kéo các từ đó lên thành một dòng, nhấn vào ô kiểm tra và câu “Bạn làm đúng rồi” xuất hiện ở dưới cùng của màn hình với một tiếng chuông chiến thắng. Người hâm mộ đăng những dòng tweet về những câu hài hước do phần mềm tạo ra, ví dụ như “Tôi đang rao bán mẹ chồng với giá 1 euro.”
Học ngôn ngữ theo kiểu kỹ thuật số đang tạo ra doanh thu 6 tỉ USD và được dự đoán sẽ tăng lên đến 8,7 tỉ USD vào năm 2025.
Duolingo hứng chịu sự chê bai từ những người đã thử dùng ứng dụng và không học hỏi được nhiều. Nhưng Von Ahn chỉ hứa hẹn giúp người dùng đạt đến một cấp độ nằm giữa mốc của người mới bắt đầu học được kha khá và người biết sơ sơ. “Một lượng lớn người dùng của chúng tôi sử dụng ứng dụng bởi vì họ thấy vui và không hoàn toàn lãng phí thời gian,” anh cho biết.
Von Ahn hiện đăng nhập 15-20 phút mỗi ngày để học tiếng Pháp kể từ tháng 11, và khi được yêu cầu mô tả những gì anh đã làm vào cuối tuần trước, anh nói, “Je fais du sport. Je suis mange avec mes amis. Je suis boire du biere en un bar,” (tạm dịch: Tôi chơi thể thao. Tôi đi ăn với bạn bè. Tôi uống bia trong quán bar.)
Bob Meese, giám đốc doanh thu 42 tuổi của Duolingo, đã học tiếng Tây Ban Nha trên Duolingo được hơn sáu tháng. Khi được hỏi, “¿Hablas español?,” ông ngớ người một lúc rồi sau đó nói, “bạn có thể lặp lại câu đó không?”
VON AHN HỌC TIẾNG ANH theo phương pháp cổ điển tại trường American School ở thành phố Guatemala. Mẹ anh, một bác sĩ sinh ra anh lúc bà 42 tuổi và chưa lập gia đình, đã tự mình nuôi nấng anh (họ của anh xuất phát từ dòng dõi người Đức của cha anh). Anh học xuất sắc môn toán, và đến năm 12 tuổi, anh muốn trở thành một giáo sư.
Anh sang Mỹ học đại học và sau khi tốt nghiệp, anh lấy bằng cử nhân Toán học tại Duke và bằng tiến sĩ ngành Khoa học máy tính tại Carnegie Mellon (CMU), nơi anh được học với Manuel Blum, người giành được giải Turing Award năm 1995, nổi tiếng trong lĩnh vực này với giải thưởng Nobel về điện toán.
Họ cùng nhau tạo ra CAPTCHA, một dự án học thuật mà họ cho mọi người sử dụng miễn phí. Thời điểm là sinh viên mới tốt nghiệp, Von Ahn đã xây dựng một công cụ sử dụng nguồn lực cộng đồng để nhận biết các tệp hình ảnh. Anh bán nó cho Google vào năm 2004 với số tiền không được tiết lộ. Nhưng anh cho biết: “Sau đó, tôi không cần phải lo lắng về tiền bạc nữa.”
Không lâu sau khi lấy được bằng tiến sĩ năm 2005, anh nhận được cuộc gọi bất ngờ. Bill Gates muốn anh lãnh đạo một nhóm tại phòng thí nghiệm nghiên cứu của Microsoft. Gates nói chuyện với anh trên điện thoại suốt một tiếng rưỡi, nhưng Von Ahn đã từ chối Gates. Thay vào đó, anh nhận công việc giáo sư môn khoa học máy tính tại CMU.
Khi làm công việc mới được ba tuần, quỹ MacArthur đã trao cho anh khoản trợ cấp “thiên tài” trị giá 500.000 đô la Mỹ vì nỗ lực tiên phong trong bảo mật máy tính và sử dụng nguồn lực cộng đồng. Anh dùng số tiền này để tạo ra phiên bản CAPTCHA thứ hai có tên reCAPTCHA.
Những từ ngữ nguệch ngoạc mà nó hiển thị được lấy từ những cuốn sách và tờ báo cũ mà máy quét không thể đọc được. Khi gõ các từ đó, hàng tỉ người đã cống hiến sức lao động tự do cần thiết để số hóa một lượng lớn văn bản.
Vào năm 2009, Google mua reCAPTCHA với giá hơn 25 triệu đô la Mỹ (Von Ahn sở hữu hơn 50%) và hai năm tiếp theo, anh làm việc tại Google sau khi nghỉ việc ở CMU.
Quay trở lại CMU năm 2011, anh và sinh viên mới tốt nghiệp người Thụy Sĩ, Severin Hacker, tập trung nghiên cứu một ý tưởng mà hai người nghĩ ra trong thời gian Von Ahn ở Google, một công cụ học ngôn ngữ kỹ thuật số miễn phí. Von Ahn và Hacker đặt tên cho sản phẩm hợp tác của họ là Duolingo vì họ muốn nó phục vụ hai chức năng: dạy ngôn ngữ cho người dùng miễn phí và cũng sẽ dựa vào những người dùng này để thực hiện các bản dịch.
Đầu tiên, Duolingo sẽ tìm những khách hàng cần dịch văn bản. Sau đó, ứng dụng này sẽ tận dụng rất nhiều người dùng đang học tiếng Anh trên Duolingo để dịch các đoạn tiếng Anh sang ngôn ngữ mẹ đẻ của họ. Nếu có đủ số người dùng cùng dịch một đoạn, sẽ tạo ra bản dịch hoàn chỉnh. Kiếm tiền thật dễ dàng.
“Chúng tôi rất ấn tượng với những gì anh ấy đã làm trong quá khứ và với cá nhân anh ấy,” Brad Burnham, thành viên hội đồng quản trị của Duolingo và là đối tác điều hành tại Union Square Ventures, nhà đầu tư ban đầu của Duolingo nói. “Chúng tôi không thực sự cố gắng định hình doanh nghiệp.”
Để tạo ra các khóa học ban đầu, Hacker và Von Ahn đã đọc sách về hướng dẫn ngôn ngữ, bao gồm cuốn Spanish for Dummies, và thiết kế các khóa học cơ bản đơn giản cho người nói tiếng Anh học tiếng Tây Ban Nha và tiếng Đức. Họ đã tra cứu 3.000 từ phổ biến nhất trong mỗi ngôn ngữ, dịch chúng sang tiếng Anh và sử dụng các từ này để soạn các câu đơn giản.
Sau đó, họ viết một thuật toán sẽ đưa ra các bài học bao gồm các gợi ý nhắc nhở để dịch câu, nghe, viết và nói. “Chúng tôi không muốn tự tay thiết kế bài học,” Von Ahn cho biết. Phần mềm có thể được lập trình để phản hồi với người dùng, hướng họ trở lại những bài học dễ hơn nếu họ mắc lỗi. Từ giai đoạn đầu, họ đã thêm những thứ thú vị như điểm và con cú Duo.
Duolingo ra mắt năm 2012 và ứng dụng bắt đầu trở nên phổ biến. Nhưng chỉ có hai khách hàng, CNN và Buzzfeed, đăng ký dịch vụ dịch thuật. “Nó giống như một cỗ máy Rube Goldberg,” Von Ahn nói, bởi vì cần có rất nhiều bước để tạo ra bản dịch cuối cùng.
Năm 2014, anh từ bỏ mảng kinh doanh dịch thuật và trong ba năm tiếp theo, công ty không có doanh thu. Nhưng sau khi gọi được 38 triệu USD vốn đầu tư mạo hiểm, anh đã có dư lượng tiền mặt cần để tiếp tục công việc. Anh thuê các nhà ngôn ngữ học và các nhà nghiên cứu về việc tiếp thu ngôn ngữ thứ hai, họ đã thêm vào các hướng dẫn bổ trợ như các mẹo ngữ pháp và các bảng chia động từ.
Duolingo kết thúc năm với doanh thu 13 triệu USD. Trong khi đó, mức độ phổ biến của Duolingo đã tăng lên và nhanh chóng thêm các ngôn ngữ mới. Nhờ sử dụng nguồn lực cộng đồng, Von Ahn phát triển hệ thống dùng để kiểm tra những người bản ngữ tình nguyện đóng góp từ vựng và câu để thiết kế các khóa học mới.
NĂM 2016, DUOLINGO BẮT ĐẦU NGHIÊN CỨU một công cụ tạo doanh thu tiềm năng khác, bài kiểm tra tiếng Anh Duolingo English Test (DET), để cạnh tranh với TOEFL (Test of English as a Foreign Language), kỳ thi kiểm tra độ thành thạo tiếng Anh dành cho sinh viên nước ngoài nộp đơn vào các trường đại học Mỹ.
Thuộc sở hữu của tổ chức phi lợi nhuận Educational Testing Service, TOEFL có lệ phí thi là 215 USD và bài kiểm tra sẽ kéo dài ba giờ tại một địa điểm kiểm tra có giám thị coi thi. Von Ahn cũng có kinh nghiệm khổ sở với kỳ thi TOEFL vào năm 1995. Hết suất dự thi ở thành phố Guatemala, vì vậy anh phải đến San Salvador để thi.
“El Salvador là một khu vực chiến tranh,” anh nói. “Tôi đã tốn 1.200 đô la Mỹ để dự thi. Thật là điên.” Bài kiểm tra tiếng Anh Duolingo (DET) có lệ phí thi 49 USD, kéo dài 45 phút hoặc ít hơn và có thể làm bài thi từ xa với một máy tính có loa và camera để tránh gian lận. Hơn 180 trường, bao gồm Yale, Columbia và Duke, đã chấp nhận dùng kỳ thi này như một hình thức thay thế cho TOEFL.
Nhưng DET có thể khiến cho sinh viên nước ngoài trở thành một kẻ bất đồng ngôn ngữ, theo giáo sư Elvis Wagner của ĐH Temple với chuyên môn về đánh giá ngôn ngữ thứ hai. Năm 2015, ông đã cùng viết một bài báo trên tờ Language Assessment Quarterly, trong đó nói rằng, DET dường như không đủ khả năng trở thành thước đo trình độ tiếng Anh học thuật của một thí sinh hoặc được dùng cho các mục tiêu tuyển sinh đại học cấp độ cao.
Hiện giờ bài kiểm tra bao gồm các câu hỏi mở mà sinh viên phải viết ra câu trả lời dưới dạng văn bản và có gợi ý mới dành cho phần thi nói đòi hỏi sự hiểu biết. Nhưng có một phần thi dường như được lấy cảm hứng từ trò chơi đố chữ Wheel of Fortune, trong đó các thí sinh sẽ điền các chữ cái bị thiếu vào một đoạn văn.
Ở một phần thi khác, thí sinh phải phân biệt các từ tiếng Anh không chính xác như “groose” với các từ đúng như “skate.” Không có phần thi nào yêu cầu độ thành thạo tiếng Anh ở trình độ đại học. Von Ahn lý luận rằng điểm số bài thi DET có “mối tương quan cao” với điểm số TOEFL và “đó mới là điều quan trọng.”
Nhân viên của anh đã so sánh kết quả của 2.300 sinh viên đã thực hiện cả hai bài kiểm tra và nhận thấy rằng những người làm tốt bài thi DET có khả năng đạt điểm TOEFL cao. Nhưng Srikant Gopal, giám đốc điều hành TOEFL cho rằng mối tương quan này là vô nghĩa bởi vì DET chỉ có “các bài tập đơn giản không giống lắm với cách sử dụng tiếng Anh trong môi trường học thuật.”
Nhưng Diane Larsen-Freeman, một nhà ngôn ngữ học tại ĐH Michigan, người được coi là một trong những chuyên gia hàng đầu của Mỹ về tiếp thu ngôn ngữ thứ hai, cho biết đa số người học không thể tiến bộ trong kỹ năng nói nếu không nói chuyện với người khác. Theo bà, “sự kết nối giữa các cá nhân thực sự là điều quan trọng đối với bất kỳ hình thức học ngôn ngữ nào.”
Von Ahn không tranh luận việc này. Hai năm trước, Duolingo đã tạo ra một trang web nơi người dùng có thể tổ chức các sự kiện tại các quán cà phê và nhà hàng, để người học có thể thực hành với người khác. Nhưng với 28 triệu người dùng trên khắp 180 quốc gia, con số 2.000 sự kiện mỗi tháng với số người tham dự trung bình là 10, chỉ tác động đến một lượng người học rất ít.
Von Ahn không bối rối, anh chỉ ra hiệu ứng quả cầu tuyết về mức độ phổ biến của ứng dụng cho đến nay: “Chúng tôi sẽ vẫn tiếp tục nỗ lực với ngôn ngữ cho đến khi hầu hết mọi người trên thế giới đang cố gắng học ngôn ngữ đều sử dụng một trong những sản phẩm của chúng tôi.”
(*) Bản in trên tạp chí Forbes Việt Nam số 75, tháng 8.2019
Thành tỉ phú nhờ đan móc giày 3DCuộc chuyển đổi hoành tráng ở Burger KingBão tố trong tách trà KombuchiJohn Hayes: Người điên hay người đi trước thời đại?Làm giàu nhờ sự thiếu hiểu biết của đám đôngXây dựng thương hiệu tỉ đô từ chiếc áo khoác