Đề Xuất 3/2023 # Sự Học Ngày Nay: Hiếu Học Hay Hiếu Danh? # Top 10 Like | Maytinhlongthanh.com

Đề Xuất 3/2023 # Sự Học Ngày Nay: Hiếu Học Hay Hiếu Danh? # Top 10 Like

Cập nhật nội dung chi tiết về Sự Học Ngày Nay: Hiếu Học Hay Hiếu Danh? mới nhất trên website Maytinhlongthanh.com. Hy vọng thông tin trong bài viết sẽ đáp ứng được nhu cầu ngoài mong đợi của bạn, chúng tôi sẽ làm việc thường xuyên để cập nhật nội dung mới nhằm giúp bạn nhận được thông tin nhanh chóng và chính xác nhất.

“Sự hiếu học của người Việt chỉ là hám lợi, hám danh, hám bằng cấp!”. Tinh thần hiếu học của người Việt Nam thường có nhiều câu nói, nhiều cách hiểu nên cũng đã có những thành kiến quy kết như vậy. Thật sự, “người Việt hiếu học hay hiếu danh”?

Dân tộc Việt Nam là một dân tộc thông minh và có truyền thống hiếu học, người Việt Nam lấy sự học làm điều căn bản để thực hiện đạo lý làm người. Trong suốt mấy ngàn năm dựng nước và giữ nước, qua mọi giai đoạn thăng trầm của lịch sử, hiếu học là một truyền thống, là nguồn sức mạnh tinh thần luôn được đề cao và coi trọng. (Tượng thờ vua Lý Nhân tông – Quôc Tử Giám – Ảnh Internet)

Tinh thần hiếu học, “vừa học kiến thức vừa hình thành nhân cách” của con người hiện đại không thể và không nên đánh giá theo những quan niệm được quy kết từ các truyện “trạng”, các truyện ‘tiếu lâm”, các truyền thuyết lạc hậu…

Bởi không thể đòi hỏi hiếu học là “học một phải biết mười”. Học một biết một hoặc biết hai là quý lắm rồi! Chỉ nên yêu cầu người học – học một biết một cái đã. Biết cái gì chắc cái đó, biết để làm, biết để có một nghề nghiệp lương thiện. Học để biết, học để không ăn bám, để không mắc bệnh chê trách – đổ thừa, đó cũng là hiếu học. Còn những chuyện, nào là “làm gì để phụng sự nhân loại”, “hãy mang lại vinh quang cho đất nước”, “cải tạo xã hội tốt đẹp”, “thay đổi thế giới ngày mai”, vv… thì để tính sau đi! Bởi nếu không tự lo nỗi cho bản thân, không phụng dưỡng được cha mẹ già yếu, thì so sánh, đòi hỏi chi đến những chuyện cao xa vời vợi?

Tinh thần hiếu học không thể coi như một khẩu hiệu và thực hiện theo nó một cách máy móc. Không phải chỉ những con người có đầy đủ Tài – Đức – Trí – Dũng mới là người hiếu học, bởi trên thế gian này, thực tế có được mấy người toàn vẹn, hoàn hảo như thế?

Trong đời sống hôm nay, học tập là một phần việc mà mỗi người phải theo đuổi suốt đời; ai cũng phải học và ai cũng có thể truyền thụ cho người khác được, ít ra là một vài hiểu biết hay kỹ năng nào đó. Cho nên, đừng quy kết, đừng giáo điều, đừng thỏa thuê chê trách, bởi sự học trong đời sống hiện đại vận hành theo nguyên tắc lợi ích, được thể chế hoá ở quy mô toàn xã hội. Sự học ngày nay ở cả phổ thông và chuyên nghiệp (đại học, cao đẳng, trung học nghề) đều với mục tiêu đào tạo con người, giúp người học tham gia vào hoạt động giáo dục để được trang bị một số tri thức và kỹ năng nhất định, trước mắt là thích ứng với cuộc sống.

Riêng về tinh thần hiếu học của người Việt, đó là một giá trị tinh thần, do một quá trình tích lũy lâu dài, vì thế không thể đánh giá nó theo chủ quan riêng của mình nếu chỉ dựa vào một giai đoạn lịch sử ngắn nào đó, cũng không thể quy kết từ một vài điển tích lạc hậu. Và phê phán tinh thần hiếu học người Việt là hiếu danh, là hám tiền bằng cách trích dẫn phát biểu của người nước ngoài lại càng không nên, vả lại, người được trích dẫn đó có thật là một “thánh tướng rất tốt đẹp” của nhân loại không?

Bởi hiếu học là ham học hỏi, là chí thú trong sự học, không bị đòi hỏi mà vẫn học, dốc lòng dốc sức theo đuổi tiến bộ và, hiếu học cũng còn có ý nghĩa là “yêu mến sự học” nữa! Như một phụ nữ nghèo, làm nghề bán xôi, thương tiếc cho cậu học trò trong xóm bị tai nạn: “Tội nghiệp, nó chăm chỉ học giỏi lắm mà bị nạn như thế!”. Tai nạn đã xảy ra cho nhiều người, nhưng tại sao người phụ nữ này lại chỉ “thiên vị” cậu học trò ham học hơn những người cũng bị tai nạn khác. Đó chính là vì tinh thần “yêu sự học”, vì lòng yêu mến và kính trọng sự học đã có sẵn trong tính cách dân tộc Việt. Có rất nhiều chuyện tương tự như vậy cho thấy, dù chẳng mang lại chút tư lợi nào nhưng chúng ta vẫn luôn yêu mến và xem trọng việc học hành. Tinh thần hiếu học đó luôn có trong tất cả mọi người Việt, dù đang đi học hoặc không còn ở tuổi đến trường.

Cho nên, không thể chỉ vì một ít người trong số tám mươi triệu dân Việt Nam ham bằng cấp như hiện nay (đôi khi họ cần bằng cấp bởi do cuộc sống mưu sinh) mà vội vàng quy kết rằng dân tộc Việt chỉ biết hám danh, hám lợi chứ không hiếu học?

Những định kiến hẹp hòi, quá lý tưởng và đòi hỏi “ nhân cách phải như thánh hiền” chẳng để làm gì. Vì thế, đối với sự học ngày nay, như GS Ngô Bảo Châu đang cố gắng thành lập quỹ “Vì tinh thần hiếu học” để cổ vũ tinh thần hiếu học của lớp trẻ Việt Nam, chúng ta cũng hãy đánh giá tinh thần hiếu học trên một quan niệm đúng và phù hợp với cuộc sống thời đại thì sẽ mang tính xây dựng tích cực hơn.

Về Tính Hiếu Học Của Người Việt Xưa Và Nay

Cao Xuân Hạo Tiếng Việt, Văn Việt, Người Việt – Nxb Trẻ

03:53′ CH – Chủ nhật, 18/10/2015

Người Việt Nam ta thường rất tự hào về tính hiếu học hình như đã thành một truyền thống lâu đời của dân tộc. Người nước ngoài, nhất là ở các nước không phải là Nga hay Đông Âu, cũng rất sẵn sàng thừa nhận đức tính này của dân ta. Những giải thưởng quốc tế mà học sinh ta giành được có thể làm cơ sở cho điều này. Riêng ở Nga và Đông Âu thì có khác một chút. Nhưng điều này ta sẽ tìm hiểu sau. Vậy cái đức tính hiếu học ấy vì đâu mà có? Và nếu có, cái truyền thống lâu đời ấy nảy sinh như thế nào, và ngày nay có còn được bảo tồn và tiếp nối không?

Đó là vấn đề mà bài này muốn đặt ra để các vị dự hội thảo cùng xem xét và bàn bạc.

“Hiếu học” là một khái niệm có thể coi như làm thành một bộ phận, một chi tiết, một biểu hiện của sự khát khao tri thức rất tự nhiên của con người. Các động vật khác không có sự khát khao ấy. Việc vươn tới sự tự cải thiện của chúng nhằm thích nghi tốt hơn với hoàn cảnh sống là một bản năng, không phải một ý chí. Con người có ý thức về sự tự cải thiện cũng như sự cải thiện những điều kiện sống của nó. Muốn thế nó phải không ngừng tìm biết, học hỏi để hiểu rõ thêm cái thế giới xung quanh nó, rồi tới cả bản thân nó nữa. Và sau mấy triệu năm tiến hoá, khi loài người đã bắt đầu tạo ra những thiết chế, những tổ chức để truyền đạt và phát triển những tri thức đã tích lũy được, thì cái khái niệm “học” mới ra đời, cùng với chữ viết ( văn tự) và những ông đồ dạy chữ. Thoạt tiên, học chính là học văn tự. Tôi không biết xưa kia tiếng Việt cổ đại (hay tiếng Việt-Mường) có từ nào để biểu thị khái niệm “học” không. Chứ ngày nay ta chỉ biết dùng từ học vốn là từ của người Trung Quốc. Tuy ta theo sách thánh hiền (của Trung Quốc) mà nói Tiên học lễ nhi hậu học văn, nhưng sự ” học” trước tiên chính là học văn tự. Có văn tự mới có sách. Có sách mới ghi lại được những lời dạy của các bậc thầy thành những tri thức được cố định hoá trong những văn bản mà người học phải thuộc lòng. Hình như mối lo sợ lớn nhất của người xưa là mất văn bản ( thất bản). Vì nếu mất nó thì những tri thức cơ bản sẽ thất truyền, và sự nhất trí của tri thức cần thiết cho một xã hội có tổ chức sẽ không còn nữa.

Cho nên học trước hết là phải thuộc. Thuộc có nghĩa là “nấu chín”, tức là được tiêu hoá thành của mình (nhân thể cũng xin nhận xét là ngày nay nhiều thầy giáo rất coi nhẹ việc học thuộc lòng, lẫn lộn nó với lối “học vẹt”). Tôi còn nhớ hồi nhỏ học tiếng Anh với một ông thầy tu người Anh, suốt năm năm học ông bắt chúng tôi học thuộc hơn 100 bài dân ca Anh, Tô Cách Lan và Ái Nhĩ Lan (dĩ nhiên là phải thuộc lòng cả lời lẫn nhạc), và chính nhờ đó mà đến ngày nay chúng tôi còn nhớ được những gì chúng tôi học được về thứ tiếng không dễ học này. Có thuộc lòng mới nhớ “như in” được cách hành văn, cách dùng từ của những bài mẫu mực, để khi nói, khi viết bật ngay ra được một cách hầu như bản năng, hồn nhiên, như của chính mình. Học thuộc lòng không phải không cần sáng dạ. Nó chính là cái thước đo chính xác nhất của sự sáng dạ. Người không sáng dạ phải bỏ ra một công sức gấp đôi, nhiều khi gấp mười, một người sáng dạ mới thuộc được. Và công sức bỏ ra trong nhiều năm để học thuộc lòng sẽ luyện cho người không sáng dạ trở thành người sáng dạ.

Tôi không lý tưởng hoá cách dạy của các ông đồ ngày xưa. Tôi cũng không ca ngợi chế độ thi cử của các triều đại trước. Đó là những sự kiện không lấy gì làm sáng sủa, sản phẩm của một nền giáo dục cổ hủ, lạc hậu. Nhưng chính nền giáo dục ấy đã tôi luyện nên cái đức tính hiếu học của ông cha ta.

Ngày xưa, ông cha ta vốn không phải vì hiếu học mà học. Họ vì ý chí làm quan mà học. Họ không còn cách nào khác để thoát khỏi cái thân phận tủi cực của kẻ nghèo hèn. Những bà mẹ, những người vợ nhịn đói nhịn khát để nuôi chồng nuôi con ăn học thành tài, không đỗ trạng nguyên thì cũng đỗ ông nghè, ông cử ông tú. Ông trạng, ông nghè mới được “vinh quy bái tổ”, nhưng một ông tú ít ra cũng có thể vênh mặt lên khi nghe vợ nói:

Không hay sao lại đỗ ngay tú tài?

Trong khi đó, hầu hết đều quên hoàn toàn những tri thức ABC mà sinh viên năm thứ nhất phải học từ những giờ đầu. Tôi có tham gia một nhóm chuyên đọc sách giáo khoa và sách nghiên cứu ngôn ngữ học với nhiệm vụ nhặt ra những lỗi của tác giả (hầu hết là Giáo sư ngôn ngữ học) mà lẽ ra sinh viên năm thứ nhất đã học ngôn ngữ học dẫn luận trong ba tháng đầu năm không thể mắc phải (xem mục “Viết nhịu trong Ngôn ngữ & Đời sống, tạp chí của Hội Ngôn ngữ học Việt Nam, trong đó đã đăng 10 kỳ gồm khoảng vài trăm lỗi về tri thức cơ bản). Trong các sách giáo khoa đại học, chúng tôi đã tìm thấy hơn 2.000 câu chứa đựng những lỗi như thế, và đối với khoảng 72% sách đại học có thể kết luận một cách hoàn toàn có căn cứ rằng có những tác giả chưa bao giờ học ngôn ngữ học hết hoặc đã quên hoàn toàn những tri thức đã học từ năm thứ nhất. Đó là chưa kể những sách giáo khoa “Nhập môn ngôn ngữ học” ngang nhiên phủ nhận tất cả những thành tựu ngôn ngữ học của toàn nhân loại bằng những nhận định “thiên tài” kiểu như “Xưa nay người ta cứ tưởng hai với hai là bốn, trong khi tôi đây đã phát hiện ra rằng 2 với 2 là 7” mà không thấy cần chứng minh lấy một câu nào, và lặp đi lặp lại hàng trăm lần trong một cuốn sách lẽ ra phải giới thiệu cho sinh viên những tri thức cơ bản được toàn thế giới và cả giới ngôn ngữ học Việt Nam công nhận.

Những lỗi khó tưởng tượng như thế, bất kỳ ai đọc qua cũng thấy ngay, nhưng chưa từng có ai nêu lên, vì hình như nhiều người quan niệm rằng nêu lên như thế thì sẽ gây tranh luận làm mất đoàn kết trong nội bộ ngành ngôn ngữ học.

Tôi đã có dịp nói điều này nhiều lần với các giáo sư dạy ngành khác. Phản ứng của họ làm tôi rất ngạc nhiên: té ra tất cả các ngành khoa học xã hội và nhân văn đều như vậy cả, và ai cũng tưởng chỉ riêng ngành mình biết mới tồi tệ như thế mà thôi. Về cuốn sách dẫn luận nói trên tôi đã lấy tư cách Chủ tịch Hội đồng Khoa học Viện Khoa học Xã hội tại Thành phố Hồ Chí Minh gửi cho ông giám đốc Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn (“đồng kính gửi” ông Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo) một bức thư dài kèm theo hơn 200 trang tư liệu, yêu cầu hai cơ quan này cho thanh tra ngay để kết luận về tác hại khổng lồ của cuốn sách và có biện pháp thu hồi nó lại. Thư và tài liệu gửi bảo đảm cho hai vị hữu trách trên từ năm 1997 mà nay vẫn chưa có hồi âm. kể cả công văn báo đã nhận thư cũng không có. Vậy thử hỏi còn có ai quan tâm đến giáo dục và khoa học nữa không? Và nói chung, những người được giao trách nhiệm và quyền lực để trông nom văn hoá và giáo dục công dân có làm việc ấy không, hay chỉ lo nghĩ đến cái ghế của mình?

Một trong những bạn đồng nghiệp của tôi là ông Nguyễn Đức Dương, một trong những cán bộ ưu tú của Viện ngôn ngữ học Việt Nam, có viết bài phản đối việc cuốn sách này được xuất bản dưới danh nghĩa Bộ Giáo dục & Đào tạo, và sau khi tác giả phản công bằng những luận cứ cho thấy mình còn tệ hơn nhiều về tri thức ngôn ngữ học so với những điều sai trái trong cuốn sách đầy những chuyện bậy bạ của ông, tôi có viết một bài ngắn bênh vực ông Dương bằng những lý lẽ mà bất cứ ai đã từng đọc qua một cuốn sách nhập môn ngôn ngữ học cũng phải thấy rõ như ban ngày. Lập tức, tôi nhận được một loạt thư tỏ ý “không ngờ” một người như tôi lại “vô đạo đức” đến thế. Trong mấy bức thư ấy không có một lời nào nói rõ tôi đúng hay sai, và tác giả cuốn sách đúng hay sai. Có người còn viết rõ: “Khoa học thì mỗi người một ý, đã chắc gì ai đúng ai sai? Chỉ có chính trị mới có đúng có sai, mới phải thu hồi hay cấm phát hành. “Trong khoa học mà phê phán nhau là “sai” hay “phản khoa học” là một hành động thất đức”. Hoá ra khoa học là như thế. Ai muốn nói gì cũng được: dù nói 2+2 là 5.000 hay 30 cũng đều được. Chỉ có trong chính trị mới có thể lên án người này là phản động hay hữu khuynh, người kia là tả khuynh (đây là cái tội nhẹ nhất mà người đi theo cách mạng có thể phạm) và dùng biện pháp chính quyền để trấn áp hay ban thưởng.

Đây là một quan niệm hiện nay khá phổ biến: trong khoa học không có đúng sai. Ai muốn dạy ra sao thì dạy, ai thích dạy môn gì thì dạy, bất luận đã từng học qua môn ấy hay chưa, miễn là có đủ bằng cấp. Ai đã có những điều kiện và chứng chỉ hợp thức thì thi tiến sĩ hay phó tiến sĩ môn gì cũng đỗ, miễn là làm đủ thủ tục và được các “hội đồng” của trường và của Bộ công nhận.

Có lần, tôi, với tư cách người phản biện, cho một nghiên cứu sinh đi thi tiến sĩ 1 điểm trên 10 sau khi chứng minh một cách tỉ mỉ rằng anh ta hoàn toàn không hiểu tiếng Việt và thua xa một học sinh tiểu học. Chủ tịch hội đồng (là một trong ba vị giám khảo do Bộ cử vào để cứu anh nghiên cứu sinh nọ khi tôi phản đối việc cho anh ta chính thức bảo vệ luận văn ở cấp nhà nước) kết luận rằng tôi hoàn toàn đúng trong từng chi tiết một. Nhưng vì biết tôi cho điểm thấp và muốn cứu anh thí sinh “dỏm” đó bằng bất cứ giá nào, hội đồng liền cho anh ta toàn điểm 8 và 9 cho nên rốt cục anh ta cũng đủ điểm để đỗ tiến sĩ, để tiếp tục dạy cho những sinh viên giỏi hơn mình rất nhiều. Cho đến nay, tôi vẫn không hiểu tại sao người ta lại phải cứu cho bằng được cái anh nghiên cứu sinh “dỏm” ấy mà không hề nghĩ đến việc cứu hàng chục thế hệ sinh viên vô tội sẽ phải nuốt những bàigiảng sai lạc của anh ta.

Sau buổi “bảo vệ luận văn” kỳ quặc ấy, nhiều người chê cười tôi là bất công mà không biết là mình bất công, vì nếu làm như tôi thì phải sổ toẹt hàng trăm bằng tiến sĩ, vì anh này còn viết được ba trăm trang chuyện tầm bậy, chứ hàng trăm anh khác không hề viết lấy một chữ, chỉ bỏ ra vài chục triệu thuê viết (do toàn thể hội đồng chấm thi bảo đảm), chỉ cần đọc bản tóm tắt, không cần xem lại toàn văn. Người ta còn nói thêm rằng ngay bằng tiến sĩ y khoa hay xây dựng mà cũng còn làm thế được, chứ ngôn ngữ học. Văn học, sử học hay ngay cả toán học nữa thì tiến sĩ có làm chết ai đâu mà sợ? Cái đáng sợ hơn cả là ngày nay những chuyện quái gở như thế đã được mọi người coi là bình thường, còn những người chống lại những hiện tượng tiêu cực tương tự lại bị coi là “hâm”, là “gàn dở”.

Chẳng lẽ cơ sự bi đát đến thế ư? Tôi không tin rằng Bộ Giáo dục có thể chủ trương đào tạo ra những tiến sĩ “dỏm” để rồi các tiến sĩ này lại đào tạo ra hàng chục thế hệ “cử nhân dỏm”. Dễ làm gì mới được kia chứ? Để có một con số tiến sĩ và cử nhân hơn hẳn các nước khác (nhất là các nước cùng khu vực) có thể chứng tỏ tính ưu việt của chế độ ta chăng? Nhưng ngày nay ta đã mở cửa, giao lưu giữa các nước ngày càng rộng rãi. Uy tín của nước ta sẽ ra sao nếu những người có bằng tiến sĩ, cử nhân chỉ cần tiếp xúc với người nước ngoài trong năm phút đã lộ rõ ngay là không biết những điều sơ đẳng nhất trong nghề? Ai thèm hợp tác với mình nữa? Tiếc thay, hầu hết các giáo sư chân chính mà tôi hỏi đều mỉm một nụ cười rầu rĩ mà nói rằng thực trạng còn bi đát hơn rất nhiều.

Có thể tôi chưa biết hết sự thật. Nhưng tôi thấy cái đáng sợ nhất không phải là có bao nhiêu trường hợp gian trá trong thi cử ở cấp đại học, những trường hợp ấy chiếm bao nhiêu phần trăm, mà là ở chỗ mọi người đều coi đó là chuyện bình thường, thậm chí dĩ nhiên, ai mà chẳng biết, chỉ có những người xa thực tế và gàn dở như tôi mới đi quan trọng hoá những chuyện ấy mà thôi. “Đời là thế mà?”. Thấy tôi gân cổ lên cãi, mọi người nhìn tôi với một nụ cười thương hại (“chả nhẽ tay này ngu thật, hay hắn giả vờ ?”).

Nếu quả tôi không biết hết sự thật, thì giờ đây tôi có thể hiểu được những nguyên do khiến các sinh viên nghe tôi giảng đều ngạc nhiên và ngơ ngác. Mời một vài sinh viên học hành nghiêm túc về nhà hỏi chuyện, tôi được nghe hàng trăm chuyện khó tin, đại loại như:

– Chỉ có thầy và vài ba thầy nữa dạy đủ số giờ, còn thì đều bắt đầu muộn chừng hai mươi phút, giữa giờ gọi chúng em đi uống nước mất vài mươi phút và thường cho về sớm nửa giờ.

Điều đáng buồn nhất không phải là có những giảng viên như thế, mà là có một số lớn sinh viên rất thích học với những thầy như thế. Vì cái họ sợ và ghét nhất lại chính là HỌC.

– Phần lớn các thầy cô đều lấy sách ra đọc chính tả cho chúng em chép suốt cả buổi. Em không hiểu tại sao thầy cô không cho chúng em mượn sách về photocopy cho thầy cô đỡ tốn công đọc và chúng em đỡ tốn công chép.

– Vị giáo sư chuyên giảng môn phương pháp dạy đại học” chỉ mới tốt nghiệp trung học bổ túc, chưa bao giờ học đại học, cho nên nói toàn chuyện vớ vẩn (như ở Mỹ giáo sư đại học chỉ bằng giáo viên cấp hai của ta”; đến khi em đứng dậy hỏi tại sao nhiều giáo sư Mỹ được giải Nobel thế, thì thầy ấy mắng em là “mất lập trường” vì tin một giải thưởng chống Cộng, và dọa đưa em ra Hội đồng kỷ luật).

– Trong giờ học, thầy X toàn kể những mối tình thơ mộng của thầy hồi du học bên Nga, cho nên trong giờ của thầy chúng em học được rất nhiều kinh nghiệm về luyến ái quan, nhưng lại không học được bao lăm về khoa học.

Những chuyện tiếu lâm như thế không sao kể cho hết, và đều cho thấy một điều quan trọng: đại học là một nơi mà người ta tự cho phép muốn làm gì thì làm, cho nên càng làm cho sinh viên mất nốt lòng tin ở sự cần thiết của lao động học tập. Chút ít lòng hiếu học còn sót lại trong người đi học có nguy cơ bị diệt tận gốc.

Hình như ngày nay chế độ thi cử đã khác, không còn có sự phân biệt thành phần giai cấp như hồi trước (thời những năm 60 – 80). Đó là một sự tiến bộ rất đáng mừng. Nhưng hậu quả của thời ấy chưa hẳn đã mất, vì những sản phẩm của thời ấy – những người thầy, những nhà khoa học có học hàm học vị nhưng không có tri thức, những người lãnh đạo các cơ quan chuyên môn không biết chuyên môn – vẫn còn giữ những vị trí then chốt trong từng ngành.

Dù là ở các nhà trường hay ở các cơ quan. những hậu quả nói trên vẫn còn tác động đến xã hội ta. Để có một minh hoạ tiêu biểu, ta hãy lấy những điều mắt thấy tai nghe trên các phương tiện truyền thông đại chúng, vốn là những cơ quan có ảnh hưởng thường xuyên nhất đến và rộng rãi nhất đối với dân trí, và có thể cho thấy rõ cái truyền thống hiếu học trứ danh của dân ta ngày nay ra sao.

Đài vô tuyến truyền hình có thể coi là nơi tập trung nhiều nhân tài nhất, gồm có đủ các ngành văn hoá, khoa học và nghệ thuật, đủ các ngoại ngữ thông dụng trên thế giới. Thế nhưng, hàng ngày, ta được nghe những lỗi tày trời về đủ các ngành văn hoá , những lỗi về cách dịch và cách phát âm từ đủ các thứ ngoại ngữ, trong đó có những lỗi mà chỉ cần chút ý thức học hỏi là có thể tránh được một cách dễ dàng – chỉ cần hỏi người bên cạnh là biết ngay, chứ chẳng cần đến một trình độ văn hoá phổ thông nào hết. Nhưng người phát thanh viên (hay người biên tập) không thèm hỏi, chính vì tưởng mình cái gì cũng biết rồi, không cần học hỏi gì ai khác nữa, nếu không phải là hoàn toàn vô trách nhiệm đối với công việc chuyên môn của mình. Vả lại, những lỗi này không bao giờ làm cho người phát thanh viên hay biên tập viên bị quở trách hay chê bai, và càng không có ai bị đuổi việc hay cách chức.

Cứ lấy một vài trường hợp như cái tên Allah của đạo Hồi chẳng hạn, hay tên Jehovah (hay Javeh) của người Do Thái, vốn có nghĩa là “Thượng đế”, là “Trời”, nhưng từ bốn mươi năm nay đều dịch thành “thánh A-la” hay “thánh Giê-hô-va”. Ở nước ta có hàng trăm ngàn người theo Hồi giáo (nhất là ở dân tộc Chăm), sao không chịu hỏi? Ở ta cũng có hàng chục triệu người công giáo, chỉ cần hỏi là biết ngay, nhưng từ mấy chục năm nay. trong tin tức cũng như trong phim ảnh, người ta đều nói “Nhân danh Cha và Con và Các thánh thần, A-men”, không thèm hỏi một người công giáo bất kỳ để biết rằng đó là ba ngôi, ba vị, trong đó vị thứ ba là Thánh Thần, hay chính xác hơn nữa là Thánh Linh (Sanctus spiritus) cùng làm thành một tổng thể là Thượng đế.

Hay như tên gọi nước Mỹ (United States of America) cứ bị dịch thành “Hợp chủng quốc” mặc đầu đã có nhiều người lên tiếng mách bảo mấy lần.

Tên gọi các nhân vật (chính khách, vận động viên, tác giả) người Trung Quốc, khi thì phát âm theo cách đọc Hán Việt, khi thì phát âm theo cách phiên âm La-tinh hoá, nhưng phát thanh viên lại không hề hỏi xem chữ phiên âm của Trung Quốc phải đọc như thế nào, cứ đọc bừa theo tiếng Anh hay tiếng Pháp, nghe hết sức kỳ cục. Có lẽ buồn cười nhất là cách đọc tên nữ cầu thủ quần vợt Nhật Date, được phát thanh viên đọc là “Đây-tờ” theo tiếng Anh, trong khi lẽ ra phải đọc là Đa-tê theo cách đọc chữ Romaji (rất dễ đọc) của người Nhật.

Nhưng tiêu biểu nhất cho “tinh thần hiếu học” có lẽ là cách đọc chữ ” ñ” của tiếng Tây Ban Nha (như trong el niño, và la niña) mà người ta cương quyết đọc là [ n] như thể không hề trông thấy cái dấu “ngã” viết trên chữ cái n. Tôi nói “tiêu biểu là vì nếu cái tinh thần hiếu học của dân ta còn tồn tại, thì một khi đã biết rằng n đọc là n, thì ñ tất nhiên phải đọc cách khác, chứ người Tây Ban Nha chẳng phải là một thứ người ngu xuẩn đến nỗi phải thêm một cái dấu “ngã” trên chữ n nếu ñ cũng chỉ đọc là n mà thôi. Người trông thấy chữ ñ ắt phải biết rằng đó là một chữ mà mình chưa học, và phải đi hỏi người khác mới biết được – nếu đương sự là một người còn có chút ít tính hiếu học. Đàng này, tuyệt nhiên không có ai thèm hỏi: mọi người đều cứ thế mà đọc ” en nino” và ” la nin a” như đọc chữ quốc ngữ. Dĩ nhiên, những lỗi như thế không có gì là quan trọng, nhưng nó rất tiêu biểu cho tinh thần hiếu học của đương sự: những điều đơn giản như thế mà còn không buôn hỏi, huống hồ là những chuyện khó hơn?

Chỉ riêng một hiện tượng ấy thôi. thiết tưởng cũng đủ cho thấy rằng cái “tinh thần hiếu học” cổ truyền đã hoàn toàn biến mất trong những con người được xã hội đã giao cho một nhiệm vụ quan trọng là truyền bá văn hoá trong đại chúng.

Đặc biệt là những lỗi về tiếng Việt, những cách dùng từ sai, những câu bất thành cú (thường là vì cách dịch sát từng chữ do tính cẩu thả của những người dịch tin nước ngoài truyền bá), đã được nêu lên không biết bao nhiêu lần từ hơn nửa thế kỷ nay mà các biên tập viên cũng cứ lặp lại hàng mấy chục lần trong một buổi truyền hình hay phát thanh, và cứ mỗi năm lại được bổ sung thêm hàng chục kiếu lỗi mới phát minh. Những người lớn có văn hoá chỉ khinh bỉ nhún vai, nhưng thế hệ trẻ, nhất là học sinh tiểu học hay trung học cơ sở, thì lại tưởng đâu đó là một kiểu nói “hiện đại” hơn, vội vàng bắt chước, hoặc tuy không cố bắt chước nhưng nghe nhiều lần đâm quen, không thấy chướng tai nữa, và cứ thế thói nói ẩu, viết ẩu dần dần phổ biến, và rốt cục tiếng Việt trở thành một thứ tiếng tạp nham không còn có quy tắc ngữ pháp gì nữa. Nhiều nhà ngữ học đã tiên đoán rằng chỉ mươi năm nữa, nhờ ảnh hưởng của những câu văn dịch Tây đặc giống cách nói của những ông Tây mới học tiếng Việt được ba tuần được nghe hàng ngày trên đài truyền hình, tiếng Việt sẽ chết hẳn như những thứ tiếng đang chết hàng mấy chục mỗi năm trên hành tinh chúng ta .

Để kết luận cho bài tham luận đã khá dài này, tôi chỉ xin bày tỏ một niềm tin rằng chừng nào tính hiếu học hãy còn thoi thóp trong một số người Việt bất chấp sự khinh miệt của xã hội, ta còn có thể hy vọng rằng sẽ có lúc nó được hồi sinh, vì đó là một trong những đức tính cao quý nhất của con người. Nhưng chỉ với điều kiện là chúng ta phải ra sức duy trì nó bằng tất cả tấm long, bất chấp xã hội, bất chấp thời cuộc, bất chấp cơ chế thị trường và những thói rởm đời đi đôi với nó, vì coi khinh học thức chính là dấu hiệu chắc chắn nhất của sự suy vong của dân tộc.

Thống kê truy cập

Tổng số người truy cập: .

Số người đang trực tuyến: .

Đào Hiếu – Những Bài Học Từ Esperanto

HIỆN NAY DƯ LUẬN TRÊN MẠNG XÔN XAO VỤ BỘ GIÁO DỤC VN SẼ CHO DẠY TIẾNG TÀU VÀ TIẾNG NGA TRONG NHÀ TRƯỜNG. CÓ VỊ CHỨC SẮC CAO CẤP LÝ LUẬN RẰNG HIỆN NAY TRÊN THẾ GIỚI CÓ MẤY TỶ NGƯỜI NÓI TIẾNG TRUNG, VÌ THẾ HỌC TIẾNG TRUNG LÀ HỢP LÝ. ĐỂ XEM LẬP LUẬN ĐÓ ĐÚNG HAY SAI, MỜI CÁC BẠN ĐỌC BÀI SAU ĐÂY CỦA ĐÀO HIẾU. BÀI NÀY TÔI VIẾT CÁCH ĐÂY MẤY THÁNG NHƯNG TÍNH THỜI SỰ VẪN CÒN DÀI DÀI. XIN CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ QUAN TÂM.

Cách đây hơn 130 năm, một học giả, một nhà ngôn ngữ học Ba Lan tên là Ludwik Lejzer Zamenhof đã chắt lọc những tinh hoa của các ngôn ngữ châu Âu như tiếng Tây Ban Nha, tiếng Anh, tiến Pháp, tiếng Đức… để sáng chế ra một thứ ngôn ngữ vừa dễ học, dễ nói, dễ viết, lại rất khoa học, rất trong sáng… gọi tên là Quốc tế ngữ Esperanto. Trong khoảng thời gian 13 năm (từ 1872 đến 1885), ngôn ngữ Esperanto không ngừng được các học giả châu Âu, nhất là các tu sĩ công giáo La Mã hoàn thiện, trở thành một ngôn ngữ toàn bích, được nhiều người kỳ vọng là một ngôn ngữ chung của toàn nhân loại. Chẳng bao lâu loài người sẽ nói chung một thứ tiếng, viết chung một chữ viết, mọi rào cản ngôn ngữ trước đây sẽ không còn nữa, loài người hiểu nhau hơn, gần gũi và thân ái hơn.

Đó là giấc mơ đẹp của một thế giới đại đồng.

Thế nhưng giờ đây, sau hơn 130 năm, nhắc đến từ “Esperanto” có lẽ không mấy người biết nó là cái gì.

Theo kết quả điều tra của Liên Hiệp Quốc vào năm 1996 thì số người sử dụng Quốc tế ngữ Esperanto chỉ là khoảng từ 200 cho tới 2.000 người. Có khoảng 2 triệu người khác trải khắp 115 quốc gia và vùng lãnh thổ sử dụng ngôn ngữ này như ngôn ngữ thứ hai của mình. Hai triệu người này đa số là các nhà nghiên cứu ngôn ngữ học và các tu sĩ dùng Esperanto để… dịch Kinh Thánh.

Tại sao một công trình ngôn ngữ học đồ sộ như thế, chuyên nghiệp như thế, đầy tâm huyết và có mục đích cao đẹp như thế lại bị nhân loại lãng quên, bị ruồng bỏ một cách phũ phàng?

*

Để trả lời câu hỏi đó, chúng ta thử suy nghĩ về sự bành trướng như vũ bão của tiếng Anh, một ngôn ngữ được cả nhân loại chào đón, học tập, rèn luyện, nói, viết, đọc và nghiên cứu trên khắp mọi lãnh vực: khoa học, kỹ thuật, lịch sử, văn học, chính trị, tôn giáo, xã hội…

Từ già đến trẻ, từ trí thức tới bình dân, từ châu Âu, châu Mỹ cho tới châu Á, châu Phi, từ các đô thị văn minh hiện đại cho tới những làng quê hẻo lánh, từ đồng bằng cho tới những vùng cao nguyên núi đồi heo hút hay hải đảo xa xôi… đâu đâu người ta cũng học tập, rèn luyện tiếng Anh.

Tại sao vậy?

Câu trả lời cũng chẳng có gì khó. Dường như một đứa con nít cũng trả lời được: ngoài sự giản dị và trong sáng của nó, tiếng Anh còn gắn liền với một siêu cường quốc không chỉ về quân sự mà còn về khoa học, kỹ thuật, văn học, kinh tế, tài chính… đó là Hoa Kỳ.

Tất cả mọi quốc gia, tất cả những ai nếu muốn được văn minh hiện đại, nếu muốn được giàu mạnh, nếu muốn được phát triển… đều phải học tập Anh, Mỹ. Mà muốn học tập Anh, Mỹ thì phải thông thạo mọi kỹ năng của tiếng Anh như: Nghe, Nói, Đọc, Viết.

Quốc tế ngữ Esperanto bị ruồng bỏ vì sao? Đơn giản là vì nó đứng chơi vơi, nó không gắn với một siêu cường nào cả. Học Esperanto để làm cái gì? Có tài liệu, sách vở về khoa học kỹ thuật nào viết bằng tiếng Esperanto? Có công trình nghiên cứu y khoa, sinh học, hoá học, vật lý… tiên tiến nào viết bằng Esperanto? Có tài liệu về kinh tế, tài chính… nào viết bằng cái thứ quốc tế ngữ ấy không? Thậm chí đi du lịch mà nói tiếng Esperanto thì có ai mà nghe?

Cho nên một ngôn ngữ muốn phát triển thành Quốc Tế Ngữ, tất yếu phải gắn liền với một đất nước giàu mạnh và phát triển mọi mặt.

Esperanto chết yểu vì nó không dựa vào một sức mạnh nào cả. Nó không phải là chìa khoá để mở cánh cửa tri thức.

*

Bây giờ chúng tôi xin đề cập đến một lĩnh vực quan trọng hơn Espreanto rất nhiều: Đó là học thuyết chính trị.

Lấy học thuyết của Karl Marx làm ví dụ.

Nếu cuốn Tư Bản Luận của Marx không được lọt vào mắt xanh của Lênin thì nó cũng chỉ là một cuốn sách bị bỏ quên trong ngăn tủ đầy bụi bặm và chắc chắn là đã bị mối mọt đục khoét nát bét cả rồi.

May cho cái học thuyết ấy. Lênin đã đọc và đã tìm thấy một “cơ hội kinh doanh chính trị” giống như một doanh nhân tình cờ chộp được một ý tưởng làm giàu đâu đó trên trang rao vặt của một tờ báo lá cải. Lênin đã hiểu cuốn Tư Bản Luận theo cách riêng của mình. Nói trắng ra, ông ta đã lợi dụng cái học thuyết ấy để dụ dỗ đám dân nghèo cùng khổ, tập hợp họ, kích động họ, biến họ thành một sức mạnh, một lực lượng đáng nể, tiến hành thành công cuộc cách mạng Tháng Mười.

Khác với Esperanto, học thuyết chính trị của Marx đã dựa vào quần chúng lao động Nga, dựa vào cơ bắp của những người cùng khổ, dựa vào súng và lòng thù hận những thối nát của chế độ Sa hoàng. Và nó đã làm nên chuyện.

Nhưng học thuyết chính trị của Marx cũng bắt đầu lung lay vào những năm cuối của thập niên 1980 khi Gorbachov nhìn thấy sự tan rã “không gì ngăn cản nổi” của chính quyền Xô-viết. Vào thời điểm này thì số phận của chủ thuyết chính trị  Mác-Lê bắt đầu giống như số phận của Esperanto: Nó đang mất chỗ dựa vào quần chúng.

Thế rồi ngày 26 tháng 12 năm 1991 nhà nước Liên-xô sụp đổ.

Sự sụp đổ ấy một lần nữa chứng minh rằng dù là “học thuyết ngôn ngữ” hay “học thuyết chính trị” thì muốn tồn tại và phát triển cũng đều phải dựa vào một sức mạnh vững chắc nào đó.

Ngày nay thì học thuyết chính trị Mác-Lênin đã hoàn toàn biến mất trên toàn thế giới, kể cả Bắc Triều Tiên, Cuba, Trung Quốc và Việt Nam, vì thực tế, tại 4 quốc gia này, chủ nghĩa Mác-Lênin chỉ còn là cái tên gọi.

*

Sự tàn lụi của Esperanto và chủ nghĩa Mác-Lênin là một bài học lớn của nhân loại.

Thế mà hiện nay tại Việt Nam và hải ngoại, có một số trí thức tạm gọi là “lý thuyết gia” đang có tham vọng phổ biến những học thuyết của họ, hòng làm nền tảng tư tưởng chính trị cho dân tộc Việt Nam “hậu cộng sản”.

Tính tôi thích minh bạch, không ưa úp úp mở mở. Tôi nói thẳng là tôi rất chán chủ nghĩa cộng sản (điều này đã được thể hiện bằng rất nhiều bài báo ký tên tôi), nhưng tôi lại rất buồn cười khi biết có những trí thức đã bỏ bao nhiêu tim óc ra để lập những học thuyết “dẫn đường cho dân tộc Việt Nam hậu cộng sản”.

Vì sao?

Vì bài học Esperanto. Vì bài học Mác-Lênin. Hai thứ học thuyết ấy đã bị nhân loại ruồng bỏ vì nó không văn minh, không hiện đại và đầy ảo tưởng.

Không có cái gì có thể phát triển được trên sự man rợ, nghèo đói là lạc hậu.

Nếu như ngày xưa bi kịch của Trung Quốc là học thuyết Khổng Tử thì ngày nay bi kịch ấy lại chính là học thuyết Mác-Lê và cái gọi là Tư tưởng Mao Trạch Đông.

Tư tưởng Mác-Lê và Mao đã tồn tại được một thời gian vì họ có súng, còn tư tưởng của Khổng Tử thì vô cùng thảm hại. Khổng Tử cùng các học trò của mình lang thang hết nước này đến nước kia mà không ai dùng, có lần suýt chết đói, thầy trò họ rách rưới như những người ăn mày. Bữa kia, Nhan Hồi gặp một ông lão, ông này mô tả Khổng Tử “như một con chó mất chủ”.

Hỡi các ông trí thức rắp tâm xây dựng những học thuyết chính trị mới cho Việt Nam! Các ông hãy học bài học của Esperanto và nhất là bài học của Khổng Tử. Học thuyết của các ông sẽ dựa vào sức mạnh nào để tồn tại và phát triển?

Dựa vào dân ư? Tôi xin các ông. Dân tộc Việt Nam đã sợ chết khiếp các học thuyết chính trị rồi. Dân tộc Việt Nam không cần học thuyết nào cả. Đó là những món hàng xa xỉ. Đó là son phấn, là kem dưỡng da, là kem trị mụn, trị nám… Dân tộc Việt Nam cần khoa học kỹ thuật tiên tiến, cần những giải pháp kinh tế tài chính tiên tiến và thực dụng. Dân tộc Việt Nam cần cơm gạo, thịt cá, vải vóc, trường học và bệnh viện. Dân tộc Việt Nam cần tự do, dân chủ, nhân quyền.

Những thứ đó tìm ở đâu?

Xin thưa, khỏi cần tìm. Thế giới văn minh Âu Mỹ đã có sẵn. Chỉ cần một con gà luộc, bái họ làm sư phụ, họ dạy cho mà làm.

Cần gì phải mày mò sáng tạo. Những trò “chế tạo tàu ngầm của anh Hai Lúa” những trò “chế tạo xe tăng, máy bay trực thăng của anh thợ rèn, thợ điện” nào đó… xin làm ơn dẹp giùm tôi. Đó là những trò nhảm nhí. Đó không phải là khoa học kỹ thuật tiên tiến, đó là những đồ chơi xạo ke, chẳng được cái tích sự gì, chẳng có gì phải tự hào vì những thứ vớ vẩn ấy.

Sau thế chiến thứ 2, Hàn Quốc đã dẹp bỏ thù hận và lòng tự ái dân tộc để dịch nguyên chương trình sách giáo khoa của Nhật mà dạy cho lớp trẻ của dân tộc mình, nhờ thế mới có Samsung, LG, Hyundai, KIA Motors… ngày nay, nhờ thế mới có một Hàn Quốc vĩ đại ngày nay.

Nền sản xuất công nghiệp của thế giới hiện đại là một sự giao thoa, một sự trao đổi kỹ thuật và công nghệ giữa các nước. Tôi có đứa con gái là kỹ sư trong một hãng chế tạo máy bay phản lực ở Mỹ. Tôi có đến tham quan nhà máy ấy, mới biết rằng máy bay của họ xài động cơ nhập từ Anh quốc, hệ thống điện tử nhập tử Australia… cho nên tôi nghĩ rằng đối với các nước đang phát triển, thì trước mắt ta cứ chấp nhận dây chuyền lắp ráp của các nước tiên tiến, nhưng ta phải dần dần nắm bắt công nghệ sản xuất linh kiện, phụ tùng thay thế,  tiến tới chế tạo sản phẩm công nghệ cao một cách hoàn chỉnh, làm tiền đề cho một nền công nghiệp tiên tiến.

Chúng ta cần học những công nghệ tiên tiến có sẵn. Không cần mày mò nghiên cứu (vì với trình độ dốt nát của ta thì chuyện đó tốn cả ngàn năm, chưa chắc đã ra cái con khỉ gì). Cương quyết dẹp bỏ những kiểu sáng tạo tào lao như “Hai Lúa chế tàu ngầm”.

Còn chuyện “chính trị” thì cũng thế thôi. Cần gì phải mày mò “chế tạo” ra các thứ học thuyết cao siêu, rắc rối. Cứ bê nguyên xi những khái niệm về tự do, dân chủ, nhân quyền, về tam quyền phân lập… của Âu Mỹ về mà xài. Nhanh gọn, tiện lợi. Chất lượng tuyệt hảo, chuẩn không cần chỉnh.

Chúng ta phải thực tế, phải thực dụng… may ra… may ra… Lạy Chúa tôi. Xin các anh “Hai Lúa học thuyết chính trị” đừng đem những cái “tàu ngầm triết học” về Việt Nam nữa. Con lạy các cha!

Kính bái! Kính bái!

ĐÀO HIẾU

(Bài viết này có thể làm mích lòng một vài người bạn của tôi, xin tha lỗi.)

Nét Đẹp Của Tinh Thần Hiếu Học

Gia đình hiếu học của cố chúng tôi Dương Thiệu Tống. Ảnh: K.N

Việt Nam với nhiều nét đẹp văn hóa truyền thống nhưng không thể bỏ qua nét đẹp của tinh thần hiếu học.

Trong thực tiễn theo chiều dài của lịch sử dân tộc, hiếu học đem đến cho người Việt những thành quả học tập, lao động thú vị đến mức đáng ngưỡng mộ. Và có thể nói, hiếu học là điểm đến trong tâm thức của nhiều người Việt ngay cả hôm nay dù cuộc sống có thể đổi thay trước hơi thở hiện đại…

Hiếu học không chỉ mang nghĩa cá nhân, nghĩa nhóm hay dòng tộc mà nó trở thành nét đẹp của cộng đồng. Khuyến khích nhau không ngừng học tập, không dừng lại và chinh phục những nấc thang mới của kiến thức không chỉ là một mục tiêu của một con người mà trở thành nét đẹp của cả một dân tộc, một đất nước… Trong nhiều năm qua, hàng loạt những gia đình đều có những người hiếu học và thành công trong học tập và cuộc sống. Thực tế minh chứng, nhiều gia đình ở Việt Nam thật đáng ngưỡng mộ về tinh thần học tập – hiếu học. Sao có thể không nhắc đến gia đình nhiều giáo sư, tiến sĩ nhất Việt Nam mà ấn tượng đầu tiên là GS. Nguyễn Lân – một giáo sư rất uyên thâm về giáo dục và có nhiều đóng góp đáng kể cho giáo dục nước nhà. Kế đến là thế hệ thứ hai với: GS. Nguyễn Lân Dũng. Và thế hệ kế tiếp là TS. Nguyễn Lân Hiếu cũng là những nhà khoa học không ngừng học tập… Chữ hiếu không dừng ở bề nổi mà nó trở thành truyền thống, biến thành những nét đẹp rất ấn tượng có sức mạnh đặc biệt chi phối sự nỗ lực của con người… Những gia đình khoa bảng người Việt xưa hay những gia đình hiếu học trong giai đoạn gần đây đã tiếp tục duy trì và tôn vinh tinh thần hiếu học của dân tộc Việt. Đó không chỉ còn là nét đẹp lung linh mang tính chất sáng chói tạm thời hoặc sáng tươi huyền ảo mà nó trở thành nét đẹp bền chặt. Sự hiếu học không chỉ tồn tại ngầm trong một gia đình, một dòng tộc mà trở thành vẻ đẹp của một nhóm lớn, của một làng xã, của một huyện thị và thậm chí của một tỉnh thành… Mô hình “Gia đình hiếu học” và “Dòng họ khuyến học” là một trong những hành động rất nhân văn nuôi dưỡng nét đẹp của tinh thần hiếu học. Đó cũng là sự đầu tư rất có điểm đến, sự đầu tư cực kỳ khôn ngoan cho một con người, một nhóm người và thậm chí là một dân tộc… Hai mô hình này đã đem đến rất nhiều cơ hội học tập cho những học sinh, sinh viên gặp khó khăn trong cuộc sống hay những bất trắc để cuộc đua về đích an toàn. Cũng chính mô hình này tạo nên những phần thưởng quý hơn vàng cụ thể như sự tư vấn – hướng nghiệp, sự động viên – khuyến khích, sự tặng thưởng hay tưởng thưởng xứng đáng mang ý nghĩa tôn vinh… Tất cả làm cho tinh thần hiếu học được nâng lên, nét đẹp hiếu học được gìn giữ… Song song đó, việc khuyến học được dựng xây trở thành một mô hình độc đáo mang đậm sắc thái Việt.

Các phong trào xây dựng gia đình hiếu học, dòng họ hiếu học ở nhiều cơ sở huyện, xã… đã thực sự đi vào chiều sâu. Mỗi cá nhân cần hết lòng với sự học cho chính mình, hết lòng hiếu học để đáp ứng yêu cầu công việc… Cũng đừng quên khuyến học để từng con người dù đủ hay chưa đủ tuổi cũng nhận ra học tập là hạnh phúc. Cũng cần nhớ rằng, dù gặp khó khăn hay có thể cân bằng các điều kiện học tập cũng thừa nhận: Học tập là món quà quý mà gia đình, người thân hay những nhà khuyến học – khuyến tài đã mang đến…

ThS. tâm lý học Mai Mỹ Hạnh

Bạn đang đọc nội dung bài viết Sự Học Ngày Nay: Hiếu Học Hay Hiếu Danh? trên website Maytinhlongthanh.com. Hy vọng một phần nào đó những thông tin mà chúng tôi đã cung cấp là rất hữu ích với bạn. Nếu nội dung bài viết hay, ý nghĩa bạn hãy chia sẻ với bạn bè của mình và luôn theo dõi, ủng hộ chúng tôi để cập nhật những thông tin mới nhất. Chúc bạn một ngày tốt lành!